Social Icons

Pages

Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Hành trình leo Fansipan của “phượt nhí” 5 tuổip

Ba cha con anh Cường, bé Khánh 8 tuổi và bé Linh 5 tuổi tới đỉnh Fansipan lúc 3 giờ chiều ngày 9/7/2013.

Một người cha đã quyết định cho hai đứa con ở tuổi mầm non và tiểu học của mình đi ‘phượt’ Fansipan để trải nghiệm cuộc sống.

Ba cha con anh Dương Xuân Cường, bé trai Dương Xuân Nam Khánh (học lớp 3) và bé gái Dương Khánh Linh (học mẫu giáo) vừa chinh phục thành công đỉnh Fansipan vào đầu tháng 7 vừa rồi.

“Hoặc con tiếp tục đi, hoặc ba sẽ ném thẳng con xuống vực”

Anh Dương Xuân Cường kể lại chuyến đi của ba cha con: “Lần này chúng tôi đi không có người khuân vác và người dẫn đường, tổng trọng lượng balo tôi đeo lên tới 25-30kg, thời tiết mưa thông trong 4/5 ngày chúng tôi đi... mọi cái trở nên khó khăn bội phần. Mưa khiến chúng tôi ướt lạnh, đường trơn trượt, tôi và 2 con đã phải ở lại lán 2.800 trong 2 đêm.

Lúc đầu tôi đi cùng 2 người bạn nữa, ngày thứ 4 họ xuống núi do đã leo lên đỉnh, tôi quyết tâm đưa các con tôi đi tiếp. Do vậy, ngày thứ 4 lên đỉnh là ngày thực sự thử thách sự quyết tâm của chúng tôi. Các con tôi mệt, tôi cũng mệt và kiệt sức. Chúng tôi ngồi nghỉ ở một tảng đá trong không gian mù mịt hơi nước, con tôi rơm rớm nước mắt...

Tôi chỉ muốn các con tôi hiểu rằng chúng chỉ có thể dựa vào bản thân mình trong khó khăn của cuộc sống. Cuộc sống có những ranh giới, khi vượt qua nó, mọi chuyện hoàn toàn khác.

Khánh và Linh trong ngày đầu tiên của cuộc hành trình, thời tiết đẹp, họ hạ trại ở độ cao 2.400m.

Chúng tôi ngồi đó, nếu chúng tôi quay về (mà ngay cả việc quay về thời điểm đó đã là cực kỳ khó khăn), chúng tôi là những kẻ thất bại; Nếu chúng tôi đi tiếp, chúng tôi là những kẻ chiến thắng được bản thân mình. Điều này thực sự có ý nghĩa với tôi và các con.

Khi các con tôi ngồi đó và bắt đầu rớm nước mắt, tôi nói: "Hoặc con tiếp tục đi, hoặc ba sẽ ném thẳng con xuống cái vực kia". Và tôi hỏi: "Con chọn đi tiếp hay ngồi lại?" Và các con tôi đã chọn việc đi tiếp. Tôi chỉ cố dạy chúng tư duy giải quyết vấn đề, chúng tôi chỉ có 2 lựa chọn: đi thì sống, ở lại chúng tôi sẽ có thể chết vì đêm lạnh, không có nước mắt vì nó không giúp chúng tôi tồn tại”.

Bí quyết ‘dẫn đường’ của người cha

Chinh phục Fansipan với người lớn đã là một thử thách, với trẻ con càng khó khăn hơn. Lường trước được những khó khăn trên đường phượt, anh Cường đã lên kế hoạch rất kỹ, tính toán các rủi ro để đảm bảo an toàn cho hai con.


Dù trời mưa tầm tã…

Anh chia sẻ: “Tôi phân chia rủi ro của một chuyến đi rừng và sự chuẩn bị để tránh các rủi ro đó như sau:

- Rủi ro về lạc đường: bạn lạc đường do bạn ít biết thông tin và kỹ năng đi rừng. Tôi đã leo Fan một lần theo một tuyến đường khá khó khăn và ít người đi, tôi đã đọc tất cả thông tin liên quan đến nó: về địa hình, thời tiết, phong tục tập quán,… Tôi đã tổ chức các nhóm leo mấy đỉnh núi nằm trên dãy núi Hoàng Liên Sơn không cần người dẫn đường, không người khuân vác. Tôi có các thiết bị hỗ trợ như la bàn, GPS,... Do đó, về cơ bản tôi không lo bị lạc đường. Trên thực tế, tôi đã lạc đường vài lần, nhịn đói 24h đồng hồ trong cái lạnh 5 độ C, dùng hết sức lực để bắt dê trên núi ăn, tôi có những sự sai lầm để đời giúp tôi không lặp lại các thất bại đó một lần nữa.

- Rủi ro về thiếu nước: mùa này mùa mưa nên rủi ro đó bị loại bỏ;

- Rủi ro về thiếu thức ăn: thông thường tuyến đường tôi và các con đi, người lớn leo 2 ngày 1 đêm. Tôi dự định 4 ngày 3 đêm. Còn thức ăn tôi chuẩn bị cho 5 ngày. Lúc xuống núi trong ngày thứ 5, tôi vẫn còn một số đồ hộp.

- Rủi ro về rét do mưa và lạnh: nhiệt độ trên Fan mùa này khoảng 10 độ C, ngày mưa và mù trời, do đó, tôi chuẩn bị đủ quần áo ấm cho 3 bố con, các loại áo thường phải kết hợp để giảm trọng lượng đồ mang theo: áo rét kiêm áo chống nước. Ở nhà, thậm chí tôi mang áo của cháu ra xả dưới vòi nước để kiểm tra.

Hai “phượt nhí” vẫn tự mình chinh phục từng đoạn đường.

- Rủi ro về bệnh tật như ốm hay đau bụng do điều kiện thời tiết hoặc thức ăn thay đổi mang lại: tôi mang đủ thức ăn và quần áo ấm để giúp thể lực các con tôi ở trạng thái tốt nhất, các loại thuốc cơ bản như đau bụng, tiêu chảy, hạ sốt, hạ đường huyết,... đều được chuẩn bị một cách kỹ càng.

- Rủi ro khác: địa hình từ độ cao 2.800 lên đến đỉnh rất hiểm trở trong điều kiện trời mưa, các chuyến đi trước sẽ giúp các cháu các kỹ năng leo trèo, giữ thăng bằng, bên cạnh đó, tôi giám sát chặt chẽ những lúc nguy hiểm. Tôi luôn đi trước khi leo xuống và ở đằng sau khi chúng leo lên. Có những đoạn, tôi phải kèm từng cháu qua một”.

Trước đó, anh Cường đã nhiều lần đưa các con đi phượt ở các cung đường ngắn hơn, cho các con chơi thể thao để chuẩn bị kỹ càng về thể lực.

Bữa ăn 22 triệu: Đừng ngại mặc cả khi đi du lịch Vũng Tàu

Phần đông ý kiến của độc giả đều cho rằng cần xử phạt thật nặng, hoặc nên xem xét rút giấy phép kinh doanh những hàng quán làm xấu mặt du lịch Việt như quán Hào Long Sơn.

 

Nội dung chính:

- Qua bài báo về việc du khách Nhật Bản bị "chém" tới 22 triệu cho 1 bữa ăn tại Vũng Tàu, nhiều người cũng phản ánh việc mình cũng từng là nạn nhân của những quán ăn như vậy.
- Một số độc giả có kinh nghiệm chia sẻ cách để tránh khỏi bị "chặt chém" khi đi du lịch.

Nhiều người từng là nạn nhân

Không chỉ riêng chị Lê Thị Hồng Thanh và người bạn Nhật Bản đến quán Hào Long Sơn (số 94 Hoàng Hoa Thám, phường 2, TP Vũng Tàu) ăn một bữa hết 2,2 triệu đồng bị tính tới… 22 triệu, mà nhiều người cho biết họ cũng từng bị "chém".

Độc giả tên Huỳnh cho biết, bản thân cũng từng là nạn nhân của quán này khi còn tên Hương Việt vào tháng 6/2014. “Tôi đi du lịch thì được người chở xích lô quảng cáo là quán hải sản tươi ngon và rẻ nhất ở Vũng Tàu. Với thực đơn 2 con ghẹ, 8 con tôm sú và nửa con mực một nắng, 2 chai nước ngọt, tất cả có giá 1,46 triệu đồng, trong khi giá trong hoá đơn ghi từ 150.000 đến 300.000 đồng/kg".

Một số độc giả chia sẻ họ từng là nạn nhân của quán ăn này. Ảnh: Người Lao động.

Còn độc giả Nguyễn Hoàng Trọng kể lại, chỉ có 2 con ghẹ hấp và 4 con tôm nướng bằng ngón tay cái, thêm một đĩa ốc hương nhỏ… anh từng bị quán "chém" gần 2 triệu. “Nếu chừng đó thứ tôi ăn ở Huế không quá 500.000 đồng. Sau đó, tôi mới biết tài xế taxi chở vào quán này thường được trích 50% tiền khách ăn”, độc giả này viết.

Không riêng gì sự việc ở quán Hào Long Sơn (Vũng Tàu), nhiều du khách cũng từng bị “chặt chém” khi ghé các cửa hàng. Đầu tháng 10/2014, chị Thảo cho biết cùng đồng nghiệp đi thăm người thân tại Sầm Sơn (Thanh Hóa). Cả nhóm vào một cửa hàng gần biển để uống nước dừa. Chủ quán sau đó yêu cầu họ thanh toán 200.000 đồng cho một cốc nước dừa với lý do cửa hàng đã chặt 4 quả dừa.

Không đồng tình, chị Thảo đã liên lạc với lãnh đạo UBND thị xã Sầm Sơn qua đường dây nóng. Đội kiểm tra liên ngành đã xuống cơ sở kinh doanh xác minh thông tin và lập biên bản phạt chủ cơ sở này 12,5 triệu đồng (gấp trên 60 lần).

Tương tự trong năm 2013, tại khu vực phố cổ Hà Nội, bằng việc đặt đôi quang gánh, đội chiếc nón lá lên đầu để chụp ảnh lưu niệm, rồi bán 3 quả dứa, bà Lê Thị Sinh đã bắt chẹt hai du khách người Đức phải trả số tiền 840.000 đồng. Còn trong năm 2014, một du khách quốc tịch Australia, cùng hai con nhỏ lên một chiếc xích lô đi từ Lăng Bác về Nhà hát múa rối Thăng Long trên phố Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) với thỏa thuận 70.000 đồng cho quãng đường dài 5 km. Tuy nhiên, khi tới nơi, tài xế xích lô đã lấy của du khách 1,3 triệu đồng.

Mẹo để không bị “chặt chém”

Là người thường xuyên đi du lịch, độc giả có nickname Vicky Bùi cho rằng mọi người nếu muốn thuê xe du lịch tại các thành phố thì nhớ thỏa thuận với tài xế trước. Nếu du khách thuê xe máy để tham quan trong địa phương hãy nhớ mặc cả thật rõ ràng.

Cẩn thận hơn, du khách có thể viết giấy cho chủ phương tiện ký tên để tránh phiền phức khi thanh toán (đồng thời tránh trường hợp đang di chuyển bị công an giữ lại). “Với các nhà nghỉ để tránh tình trạng bị các chủ nhà nghỉ hét giá “ngất ngưởng”, bạn nên tìm hiểu giá phòng khách sạn trước trên các trang mạng online.

Nhiều nhà nghỉ, quán ăn gắn “mác bình dân” nhưng giá tiền thì rất “đại gia”, nên đừng quá ngần ngại khi vào khách sạn, quán ăn sang trọng một chút nhưng giá ổn định và phục vụ tốt”, bạn đọc Bùi chia sẻ. Còn anh Nguyễn Xuân Minh, một hướng dẫn viên du lịch, tư vấn, du khách có thể hỏi lễ tân khách sạn một số quán ăn trong thành phố. “Thường các quán ăn ở gần khu du lịch xác định không cần giữ chân khách nên thường “chém” khách mạnh tay, còn các quán ở xa khu du lịch thì giá ổn định hơn nhiều”.

Để tránh bị "chặt chém" du khách hãy hỏi giá trước.

Trong chia sẻ nhận được nhiều lượt thích (like) của độc giả Trần Phong, bạn này nhấn mạnh khi đi du lịch mọi người đừng chứng tỏ mình là khách du lịch. Bởi điều này không làm du khách “oách” hơn mà chỉ khiến dễ bị chú ý và trở thành nạn nhân bị “chặt chém”.

“Chúng ta nên giành thời gian tìm hiểu để biết rõ hơn nơi mình đến. Nếu bạn muốn mua hải sản nên tìm đến tận chợ lớn và thuê chế biến tại chỗ. Điều quan trọng là bạn muốn mua gì, đi gì, ăn gì đừng ngần ngại hỏi trước giá”.

Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

The Road Story Viet Nam


Tháng 9/2014, Georgy Tarasov cùng với anh trai của mình thực hiện một chuyến du lịch Việt Nam, 45 ngày khám phá tuyệt vời. "In Septemper 2014 my brother and me travelled Viet Nam, 45 days amazing advantudes".



Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

Cảnh sắc bình minh trên khắp mọi miền đất nước

Những hình ảnh đẹp ghi lại thời khắc ngày mới muôn màu muôn vẻ qua ống kính của các tác giả dự "Cuộc thi Ảnh Nghệ thuật VnExpress 2014".


Nắng sớm mai trên thung lũng Bắc Sơn, Lạng Sơn của tác giả Vũ Ngọc Ánh.


Bình minh Bắc Sơn qua ống kính Nguyễn Anh Tuấn.


Các em học sinh vùng cao đến trường trong nắng sớm của một ngày mới - Vũ Đức Phương.


Tác phẩm "Nắng sớm ở cảng cá Vịnh Hạ Long" - Đinh Thành Trung.


Bình mình trên cánh đồng thốt nốt vào đầu mùa nước nổi - Nguyễn Hữu Danh.


"Vạt nắng ban mai" - Nguyễn Bá Hảo.


Một góc thành phố chìm trong sương sớm, được chụp từ đỉnh núi Hòn Bồ, Đà Lạt - Dương Kim Khang.


"Cõi thiên thai" - ảnh chụp tại TP Đà Lạt trong màn sương sớm của tác giả Hồ Anh Tiến.


Cảnh một người phụ nữ chèo thuyền đi trong sương sớm trên hồ Nam Phương, Bảo Lộc, Lâm Đồng - Thái Bình Minh.


Tác phẩm "Nắng sớm cao nguyên" - Thái Bình Minh.


Bình minh trên rừng thông Đà Lạt - Đỗ Lê Duy.


Ảnh chụp một góc yên bình của Hồ Lăk, Đăk Lăk trong sớm mai - Nguyễn Việt Hùng.


Bình minh trên biển Hòn Chồng, Nha Trang - Khánh Hòa. Tác giả: Nguyễn Hoài Văn.


Ngư dân Quảng Xương khiêng lưới xuống bè chuẩn bị ra biển đánh bắt vào sáng sớm - Trịnh Xuân Đào.


Khoảnh khắc bình minh trên biển trong tác phẩm "Đợi chờ" của Nguyễn Đình Thành.


Bình minh trên bãi biển gần Hải đăng Kê Gà - Bình Thuận. Tác giả: Nguyễn Đình Thành.

Cuộc thi Ảnh Nghệ thuật VnExpress 2014 nhận ảnh dự thi ở hai thể loại: Phong cảnh và Khoảnh khắc Cuộc sống, từ 28/8 đến 27/10. Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi lên đến 500 triệu đồng. Đến nay, cuộc thi đã nhận được tác phẩm của gần 2.000 tác giả.
VnExpress

Review chuyến phượt Phan Thiết - Phan Rang - Đà Lạt xuất phát từ Sài Gòn: Phần 1 Con đường đầy nắng

Lang thang qua các diễn đàn phượt, thấy bài review chuyến phượt với cung đường Sài Gòn - Long Hải - Phan Thiết - Phan Rang - Đà Lạt hay hay, nên mình tổng hợp lại cho các bạn nào cần thông tin hay đang có dự định đi phượt cung đường Phan Thiết - Phan Rang - Đà Lạt thì tham khảo nhé.
Cung đường Phan Thiết - Phan Rang - Đà Lạt nắng và gió

Lộ trình phượt Phan Thiết - Phan Rang - Đà Lạt xuất phát từ Sài Gòn:

Ngày 1: Sài Gòn – Phan Thiết: 250km
+ Thưởng thức bánh canh Long Hương
+ Tham quan vườn Thanh Long
+ Tham quan hải đăng Kê Gà

Ngày 2: Phan Thiết – Phan Rang: 150km
+ Tham quan Thung lũng đỏ
+ Tham quan Bàu Trắng
+ Cánh đồng muối Cà Ná

Ngày 3: Phan Rang – Đà Lạt: 120km
+ Tham quan tháp chàm Poklong GaRai
+ Hồ Lâm Ra
+ Trại Cừu
+ Vuờn táo
+ Đèo Ngoạn Mục
+ Tham quan cánh đồng hoa cải
+ Chợ đêm Đà Lạt

Ngày 4: Đà Lạt – Sài Gòn: 290km
+ Tham quan thác Pongour

Tổng lộ trình: 810km

Tổng chi phí: 1.400.000đ / 1 người

Ngày 1: Sài Gòn – Phan Thiết: 250km


Cung đường từ Sài Gòn đi Phan Thiết đẹp nhất là đoạn ven biển từ Long Hải đi Phan Thiết, đi qua Bình Châu, La Gi có ngọn hải đăng Kê Gà nổi tiếng.

Điểm dừng chân đầu tiền là quán bánh canh Long Hương. Vì là quán ăn nổi tiếng ở Vũng Tàu, đi trúng dịp lễ nên rất đông. Theo như nhận xét của các thành viên thì cũng không thực sự ngon đặc biệt, được cái có cục giò to khủng bố, ăn 1 lần nhớ mãi về sau.

Tại thị xã Bà Rịa hiện có 2 tiêm bánh canh mà bạn có dịp đi ngang thì không thể không ghé vào. Đó là quán Thúy ở ngã ba Long Hương và quán Bánh Canh Long Hương tại cổng chào thị xã Bà Rịa. Bánh canh ăn ngon mà nấu đơn giản, chỉ cần ninh chân giò và xương ống cho ngọt nước lèo rồi nêm nếm gia vị cho vừa miệng. Nước lèo trong veo nhưng có vị ngọt đậm đà của xương và thịt. Sợi bánh được làm bằng bột gạo pha bột lọc để có độ dài và bột màu trắng trong. Bánh canh ăn kèm với gia sống , rau cần và các loại rau thơm khác. Giá đậu xanh chọn loại lùn, thân mập vừa giòn, lại có vị ngọt mát. Bánh canh có 3 món cho thực khách lựa chọn: giò ,nạc và que (que là xương ống có nhiều nạc).
Điểm khởi đầu Cung đường ven biển là Mộ Cô. Từ nơi đây, chúng tôi băng qua các khu Resort để đến với đèo Nước Ngọt, con đèo nhỏ của vùng đất nơi đây. 

Cung đường từ Mộ Cô đến Bình Châu có 1 đoạn, chúng tôi vẫn gọi đùa vui là con đường hoa đào nở, rợp 1 sắc xuân

Gần tới Hồ Linh, đoàn nghỉ ngơi và mần bữa trưa chống đói, những bữa ăn nhà bụi, pha lẫn nụ cười. Hội “Người già neo đơn” và Hội “Trẻ em nhí nhố”,…

Nên đi 1 hàng dài, không được vượt xe trước
Bình Thuận đang vào mùa thanh long, đi ngang qua đây bạn có thể ghé vào thăm các nhà vườn và thưởng thức những trái thanh long chín đỏ thơm ngọt.

Đến Bình Thuận, trên đường đi bạn nên ghé qua hải đăng Kê Gà, ngọn hải đăng được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là ngọn hải đăng cao nhất và cổ xưa nhất Việt Nam, nằm ở mũi Kê Gà, thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.


Bạn có thể thuê thuyền đi ra khám phá ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam này. Nhóm 30 người thuê thuyền chỉ với giá 700k. Mình không biết giá này là cho một chuyến hay tính theo số lượng người.


Dưới ánh hoàng hôn... Cảm giác đứng ở mui thuyền, đón cái sóng, cái gió, và cái bồng bềnh của biển thật tuyệt. Người cứ lâng lâng, say sóng, hay vì say cảnh đẹp???

Kết thúc ngày đầu tiên, cung đường Sài Gòn - Long Hải - Kê Gà - Phan Thiết bằng bữa tối đạm bạc quay quần bên nhau.


còn tiếp ...

Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

Hội An trong mắt dân du lịch bụi

Bên cạnh những công trình in dấu thời gian, Hội An còn có những điều khiến khách đặt chân một lần là nhớ mãi.
 

Đường phố

Cảm giác đầu tiên của nhiều du khách khi đặt chân tới đây là sự yên bình. Trên phố có nhiều người tham quan, thậm chí cả gánh hàng rong nhưng không hề ảnh hưởng tới sự tĩnh lặng vốn có. Những hình ảnh đó như tạo thêm điểm nhấn ấn tượng cho bức tranh trầm mặc nơi phố cổ.

Nhà cổ

Nhà ở đây có hình ống, sâu từ 10 đến 40 m gồm ba không gian sinh hoạt chính là nơi buôn bán, sinh hoạt và thờ cúng. Mỗi công trình đều có kết cấu khung gỗ, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch hoặc đá. Trước cửa có hai núm gỗ tròn chạm hình âm dương, bát quái hay mặt hổ rồng. Ba phường nội thị Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong là nơi du khách dễ dàng bắt gặp những kiến trúc này.

Chùa Cầu

Chùa Cầu là biểu tượng của phố cổ, do các thương gia Nhật Bản xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 16. Công trình này có chiều dài 18 m với phần mái che lợp ngói âm dương. Trên cửa chính là tấm biển lớn chạm nổi ba chữ Hán: Lai Vãn Kiều. Ở hai đầu cầu đặt tượng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó đại diện cho năm xây dựng, một đầu là tượng khỉ biểu tượng cho năm hoàn thành. Cả hai loài này đều được người Nhật thờ tự từ xa xưa.


Một điểm đặc biệt khác là bên trong chùa không hề có tượng Phật. Gian chính thờ Bắc Đế Trấn Võ, vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm hạnh phúc cho mọi người.

Đèn lồng

Lồng đèn là thú chơi từ xưa của người dân phố cổ. Trước đây, chỉ những gia đình thượng lưu mới treo trong nhà. Trải qua thời gian, vật trang trí này trở nên phổ biến hơn, có mặt cả ngoài phố.

Nguyên liệu làm nên những chiếc đèn lồng là tre và lụa. Trong đó, phần khung tre tạo sự thanh thoát, duyên dáng cho mỗi kiểu dáng như tròn, củ tỏi, bánh ú…. Lụa bọc ngoài giúp ánh sáng thêm huyền ảo và rực rỡ.

Sông Hoài

Sông Hoài là một nhánh của sông Thu Bồn chảy qua phố cổ. Dù ngày hay đêm, dòng nước yên bình ấy luôn mang lại cho du khách những trải nghiệm đầy lắng đọng. Bạn có thể quan sát những chiếc thuyền đánh cá đang thiu ngủ vào ban ngày hay chờ đêm xuống để mua một chiếc đèn hoa đăng thả lên dòng nước lững lờ trôi.

Bức tường cổ

Phố Hoàng Văn Thụ là nơi sở hữu bức tường được chụp ảnh nhiều nhất phố Hội. Trên thực tế, công trình thuộc ngôi nhà nằm về phía đường Nguyễn Thái Học, địa chỉ sinh sống của một gia đình 3-4 thế hệ. Thoạt nhìn, nơi đây khá mờ nhạt, không có điểm nhấn đáng chú ý. Tuy nhiên dưới ống kính máy ảnh bức tường càng trở nên quyến rũ hơn khi từng mảng rêu phong hiện lên cân xứng tạo sự tương phản tối đa.

Hương trầm

Không khí ở đây luôn phảng phất mùi trầm dịu nhẹ, dễ chịu. Theo quan niệm của người dân, thứ hương này nhằm thanh lọc khí độc, phòng bệnh, an thần, tạo giấc ngủ ngon và quan trọng là trừ tà. Do vậy bạn có thể bắt gặp những bát trầm nhỏ đang cháy dở trước mỗi cửa hàng. Vào những ngày rằm, lễ tết, mùi thơm còn đặc quánh hơn, quấn lấy bước chân, khiến người lữ khách cứ vẩn vơ mãi không thôi.

Xe đạp

Các phương tiện giao thông bị cấm lưu hành để bảo tồn khu phố cổ. Hiện nay, quy định này được nới lỏng hơn, cho phép xe đạp qua lại. Nhờ đó, bạn dễ dàng bắt gặp phương tiện này ở mọi nơi. Dịch vụ cho thuê xe từ đó cũng trở nên rầm rộ để đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách. Giá thuê một ngày là 30.000 đồng/ ngày.

Mưa

Mưa không phải điều cản trở chuyến tham quan của nhiều người. Vào những ngày như vậy, bạn có thể bắt gặp các đoàn khách mặc áo mưa giấy, bước đi trong tiếng sột soạt, điều bạn hiếm gặp ở những điểm du lịch khác. Với họ, mưa là niềm vui và sự thích thú, trở thành một yếu tố đầy ấn tượng trong suốt hành trình.

Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Casino sẽ 'hích' ngành du lịch Phú Quốc phát triển mạnh

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc xây dựng khu du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí tổng hợp có casino tại huyện đảo Phú Quốc sẽ đẩy kinh tế địa phương này phát triển mạnh mẽ.

Phú Quốc đã có sân bay quốc tế là một trong những điều kiện để huyện đảo phát triển dịch vụ, du lịch, trong đó có casino - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Theo Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đã chính thức chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí tổng hợp có casino tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp UBND tỉnh Kiên Giang và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan về dự án. Trên cơ sở đó hướng dẫn việc lập dự án theo đúng quy định của pháp luật; đề xuất ý kiến cụ thể, báo cáo Thủ tướng xem xét sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về kinh doanh casino.

Quyết định phù hợp

Theo chuyên gia kinh tế độc lập, TS Bùi Trinh, việc cho phép mở casino ở Phú Quốc là một quyết định phù hợp, vì huyện đảo này cần động lực mới để phát triển. Một điều không thể phủ nhận là casino sẽ thu hút nhóm du khách có khả năng chi tiêu cao tìm tới. Du lịch tăng trưởng sẽ thúc đẩy thương mại, dịch vụ tăng theo, thu ngân sách cũng lớn hơn, từ đó kéo theo hạ tầng phát triển. Xét về mặt kinh tế, đầu tư casino ở Phú Quốc là tốt cho huyện đảo này và Phú Quốc có đầy đủ điều kiện cơ bản để đẩy mạnh dịch vụ. “VN chỉ cần chuyển 20% khu vực công nghiệp trong GDP qua khu vực dịch vụ là cơ cấu kinh tế sẽ tích cực hơn. Khu vực công nghiệp nhiều năm qua phần lớn là xuất khẩu tài nguyên thô và hàng hóa gia công. Mà xuất khẩu hàng hóa gia công thực chất là xuất khẩu hộ cho nước khác và càng xuất thì chúng ta càng nhập, hàm lượng giá trị gia tăng rất thấp. Trong khi đó, nếu phát triển dịch vụ, một hình thức của xuất khẩu tại chỗ, thì xuất bao nhiêu chúng ta hưởng được bấy nhiêu”, ông Trinh phân tích và cho rằng: “Với đặc thù của mình, Phú Quốc nên là hình mẫu của phát triển dịch vụ, lấy dịch vụ làm trọng tâm tăng trưởng và các địa phương khác có thể học tập từ kinh nghiệm của Phú Quốc”.
Việc xây dựng casino không khó, nhưng để duy trì và cạnh tranh với các casino trong khu vực là không đơn giản. Chắc chắn nhà đầu tư phải tìm ra điểm khác biệt cho casino ở Phú Quốc để thu hút du khách, mà trong đó quan trọng nhất là dịch vụ ở xung quanh casino.
TS Nguyễn Văn Ngãi, chuyên gia kinh tế
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Văn Ngãi, chuyên gia kinh tế, cho rằng casino về bản chất là một dịch vụ, nhưng nó có thể kéo theo nhiều dịch vụ khác xung quanh phát triển, nhất là các dịch vụ liên quan đến du lịch. “Việc cho phép đầu tư casino ở Phú Quốc là cơ hội cho huyện đảo này có bộ mặt sáng hơn. Dĩ nhiên, dịch vụ nào cũng có mặt trái, vấn đề là địa phương sẽ kiểm soát chặt chẽ những tiêu cực có thể xảy ra liên quan đến phát triển dịch vụ. Phú Quốc có nhiều thuận lợi hơn các địa phương khác ở trong nước khi mở casino vì là vùng đảo biệt lập với đất liền, nên những ảnh hưởng tiêu cực không lan tỏa nhiều và dễ kiểm soát hơn, ngay cả với việc cho phép người Việt vào casino ở đây. Phát triển dịch vụ là vấn đề VN cần quan tâm bởi không hao tổn tài nguyên nhưng vẫn đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho không riêng Phú Quốc”, TS Ngãi nói.

Cạnh tranh bằng sự khác biệt

Được đầu tư casino sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho Phú Quốc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc quan trọng là phải phát triển đồng bộ các ngành dịch vụ đi kèm, để du khách tới Phú Quốc nếu không vì mục đích vào casino cũng sẽ hưởng các dịch vụ này. “Yêu cầu phát triển dịch vụ một cách đồng bộ đối với Phú Quốc là rất quan trọng. Dịch vụ này phải có đẳng cấp quốc tế ở chất lượng và giá cả phải cạnh tranh. Thực tế, xung quanh VN có rất nhiều nơi nổi tiếng với casino như Singapore, Malaysia, Philippines, Campuchia, Macau. Việc xây dựng casino không khó, nhưng để duy trì và cạnh tranh với các casino trong khu vực là không đơn giản. Chắc chắn nhà đầu tư phải tìm ra điểm khác biệt cho casino ở Phú Quốc để thu hút du khách, mà trong đó quan trọng nhất là dịch vụ ở xung quanh casino”, ông Ngãi nhấn mạnh. Ông cũng lưu ý, khi xét duyệt các hồ sơ đăng ký đầu tư casino ở Phú Quốc, các bộ ngành liên quan ở VN cần yêu cầu nhà đầu tư đưa ra những khác biệt.

Nhà đầu tư phải cam kết vốn từ 4 tỉ USD trở lên

Năm 2014, trong tờ trình đề án thành lập đặc khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang nêu casino được xây dựng trên diện tích 30.000 m2 với 200 - 400 bàn đánh bạc, 2.000 máy chơi bạc, ngoài ra còn có trung tâm hội nghị, hội thảo quốc tế và khách sạn 5 sao 3.000 phòng... Nhà đầu tư muốn tham gia phải cam kết vốn từ 4 tỉ USD trở lên.
Theo chuyên gia du lịch Phan Đình Huê, những casino nổi tiếng trên thế giới bao giờ cũng nằm trong một quần thể vui chơi, giải trí đồng bộ với cả hạ tầng giao thông, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, trung tâm hội nghị... Ở Las Vegas (Mỹ) là một chuỗi các casino, khách có thể đi từ chỗ này qua chỗ kia, hoặc nhiều trung tâm giải trí. Đối với Phú Quốc, casino “sạch” ở Singapore là mô hình cần học hỏi. “Phú Quốc hiện nay đã có sân bay quốc tế, đường giao thông quanh đảo thuận tiện nhưng hệ thống khách sạn cao cấp vẫn còn thiếu, chưa có nhà hát, trung tâm hội nghị tầm cỡ hoặc trung tâm thể thao có thể tổ chức các sự kiện lớn. Không chỉ thế, Phú Quốc còn thiếu cả dịch vụ vui chơi giải trí trên mặt đất, trên mặt biển, trên không trung. Dịch vụ xung quanh casino là giá trị gia tăng của Phú Quốc, nên cần quy hoạch xây dựng đồng bộ để gia tăng tối đa hiệu quả”, ông Huê nói, đồng thời đề xuất Phú Quốc phải hướng tới dịch vụ đẳng cấp để gắn với hoạt động của casino, chứ không vì thiếu tiền mà làm đâu sửa đó.

“So với các casino trong khu vực, Phú Quốc hơn hẳn vì có biển, bãi tắm đẹp, khí hậu nhiệt đới tuyệt vời suốt cả năm. Với lợi thế đó, Phú Quốc phải là một đảo dịch vụ du lịch, gồm khu phức hợp casino là trung tâm và dịch vụ đẳng cấp phát triển xung quanh trung tâm này. Đừng để khách đến Phú Quốc để vào sòng bài, ngủ và ra về. Còn các đảo ở gần Phú Quốc có thể được xây dựng thành nơi nghỉ dưỡng cao cấp cho giới nhà giàu”, ông Huê đề xuất.

TS Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cũng cho rằng ngay từ bây giờ, Phú Quốc cần xây dựng dịch vụ một cách đồng bộ và các dịch vụ xung quanh casino phải thực sự cao cấp. Phú Quốc cần xác định đây là mục tiêu cần nhắm tới để thực hiện.

N.Trần Tâm
Theo Báo Thanh Niên

Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

'Phượt' để thể hiện cái tôi hay chơi dại?

Du lịch luôn là những gì mà những người trẻ muốn làm để không phí hoài thời thanh xuân của mình, nhưng đừng vì thế mà phí cả tương lai với những chuyến đi không chuẩn bị gì cả.

Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả Vũ Ngọc Anh. Sinh năm 1987, bị mắc bệnh xương thủy tinh, từng bị gãy xương đến 150 lần, Vũ Ngọc Anh là tác giả cuốn sách "Không thể vỡ", ghi lại hành trình vượt khó để tự lập và đi du lịch, khám phá nhiều vùng đất mới trên chiếc xe lăn.

Dạo gần đây, các bạn rất hay bắt gặp một vài hình ảnh kiểu như một anh chàng ăn mặc bụi bụi chở phía sau là một cô gái, sau xe máy là lỉnh kỉnh đồ đạc, xong lượn hết chỗ này đến chỗ khác, và càng nguy hiểm, càng đến những chỗ xa xôi thì “level” càng cao. Tất nhiên phải tuân theo những thứ mà tôi đọc được ở đâu đó như sau, không biết là đùa hay thật:

- Phải ăn mặc bụi bụi, quần áo phải là camo hoặc áo rằn ri. Đầu quấn khăn hoặc không, phải mặc áo Việt Nam. Các bạn cứ làm như nếu không mặc cờ đỏ sao vàng thì không ai biết bạn là người Việt Nam vậy.
- Không được phép ở khách sạn hay nhà nghỉ sang trọng, có ở thì chỉ được ở nhà nghỉ hoặc nhờ nhà dân, đỉnh cao là phải ngủ ở ngoài đường, với dù, bạt, lều...- Không được đi ăn nhà hàng, kể cả có tiền, phải mua bánh mì, lương khô mang theo.- Không như thế thì không phải dân phượt chuyên nghiệp.

Tôi không biết gì về phượt, không biết các "cung" này cung nọ, không biết thuật ngữ chuyên môn của các bạn, tôi không biết xế là gì ôm là gì đến khi tôi google ra một vài năm trước đây. Nhưng cái thời tôi biết đến phượt khác xa thời bây giờ nhiều quá, cái quy chuẩn phía trên làm tôi phải suy nghĩ nhiều quá. Thời đó tôi càng muốn đọc những review và cảm nhận của mỗi người bao nhiêu thì giờ có cảm giác ngược lại, hễ ai nói "tao đi phượt" là ghét và có ấn tượng không tốt. Phải chăng các bạn đã làm phượt mất chất? Cảm nhận của mỗi nơi đến thay bằng những tấm hình vô tri, hay "đã bỏ tiền vào chụp ảnh thì phá nát cũng được". Tôi biết, trong các bạn vẫn còn rất nhiều người đi để mở mang tầm mắt, học hỏi thêm nhiều thứ để trau dồi vốn sống của mình, nhưng những người như thế dần dần họ cũng chẳng tự nhận mình là dân phượt nữa. Những người như thế thì có được bao nhiêu?

 
Tác giả Vũ Ngọc Anh trong chuyến đi Cà Mau bằng xe lăn.

Các bạn đọc báo, nhất là 1-2 năm gân đây, tỉ lệ phượt xuống-suối-vàng được nhắc đến nhiều hơn, tôi cũng không biết đó là một "chấm" mới trong hành trình hay là điểm kết thúc nữa, nhưng chắc ai cũng nghe thấy vụ kiệt sức khi đi ở đâu đó dẫn đến tử vong, rồi rất nhiều tai nạn trên đường. Vậy các bạn đang làm gì? Các bạn đang đi để biết, hay đi để chết?

Tôi là một đứa đi không nhiều, nhưng đủ hiểu an toàn của bản thân cần thiết đến mức nào. Bạn mạnh mồm nói "Tớ lo được, tớ chạy cẩn thận, tớ đủ sức khỏe..." ôi tôi biết cái đó. Dịp gần đây, tôi và đứa em đi xe máy đến mội nơi mà tôi định hoàn thành nốt trong cuốn sách “Không thể vỡ 2” trước những ngày cuối cùng. Sau khi đọc xong các review về điểm đến, tôi thấy "đi được, chả có gì không đi được" nhưng đến tận nơi, tận mắt chứng kiến mọi thứ mới thấy phải-biết-lượng-sức-mình.

Phượt hiện giờ, thấy các bạn coi thường mạng sống quá, khi không có kiến thức sơ cứu hay xử lý sự cố khi tai nạn. Các bạn chỉ biết đi, đi để thích thú nhưng có thể ít người để ý đến những hệ quả đằng sau. Nhiều bạn đi phượt thì tự cho mình cái "oách" khi nói với người khác như thế, cứ như thể đi phượt để trải nghiệm cảm giác mạo hiểm.

Tôi quen một số người, ít nhất là người mà tôi biết đều có những kế hoạch và kiến thức cần thiết trước mỗi chuyến đi. Không phải như các bạn nói "xách đít lên và đi" như vậy nó mông lung và vô định lắm, người ta chuẩn bị về sức khỏe, về đồ đạc và cả về những trường hợp xấu nhất nữa. Bao nhiêu bạn trong đây đi phượt trong người mang theo một mảnh giấy ghi số điện thoại của người thân để chẳng may có việc gì thì người khác còn liên lạc về với gia đình? Một người anh mà tôi quen, có một chuyến đi dài dọc từ TP HCM – Hà Nội, Việt Nam tới Myanmar và quay ngược lại TP HCM. Theo dõi chuyến đi tôi thấy khác hẳn những gì các bạn hay đi phượt ở nhà, ông anh lên kế hoạch chi tiết đi tới đây sẽ làm gì, đi tới kia sẽ làm gì, ngoài việc tự sướng ra thì kế hoạch chi tiết cũng là một điều cần thiết trong các chuyến đi.

Không phải các bạn cứ ngồi lên xe, các bạn cứ cầm một cái gậy, là có thể leo núi được và chạy xe đường dài được. Vụ nhóm "phượt" núi Bà Đen và lạc, không xuống được phải gọi điện cầu cứu. Tự hỏi, do trưởng nhóm thiếu kinh nghiệm, tự tin thái quá, hay chỉ là một-nhóm-thích-đi-với-nhau? Phượt thủ gì khi trong tay không có một món đồ cứu hộ?

Ở Việt Nam, do môi trường giáo dục là bao bọc, cho nên những khóa học về sinh tồn trong những điều kiện khắc nghiệt là không có, nhưng với sự phát triển của mạng lưới viễn thông hiện nay, tôi cũng không hiểu tại sao còn có những bạn nhắm mắt mà đi như vậy. Đi, nhưng đi an toàn. Thế mới là đi các bạn ạ. Đọc đến đây, chắc kiểu gì cũng có bạn nói: Không mạo hiểm thì sao biết bản thân mình như thế nào. Okie, cái đó đồng ý, nhưng tất cả những thứ mạo hiểm của các bạn phải có một giới hạn.

Dù có gọi là gì, thì du lịch và trải nghiệm luôn là những gì mà những người trẻ muốn làm, họ muốn sống để không phí hoài thời thanh xuân của mình, nhưng cũng đừng vì thế mà phí cả tương lai phía trước với những chuyến đi không chuẩn bị gì cả. Tôi chưa bao giờ gọi chuyến đi của mình là Phượt, vì tôi không thích dùng từ đó. Tôi chưa đủ liều như các bạn khác để có thể đánh đổi số phận của mình vào những chuyến đi mà-tôi-chưa-sẵn-sàng, tôi ko đánh cược mạng sống, vài kinh nghiệm từ người đi trước sẽ cho tôi biết cần phải làm những gì đối với bản thân. Tôi đi không mặc đồ bụi bụi, tôi đi không mang lương khô và bánh mì, tôi đi không mang lều chõng, tôi đi không ngủ bờ ngủ bụi, tôi không phải là phượt thủ.

Tôi chỉ là một người thích-đi-lại.

Vũ Ngọc Anh
Zing News

Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

Cù Lao Chàm không chỉ có cảnh đẹp và đồ ăn ngon

Cù Lao Chàm đã được vào danh sách 'sẽ trở lại' của tôi. Lần sau tôi sẽ ra cắm trại ở lại qua đêm để thử xem con muỗi ở đây ra sao.

Trở lại Cù Lao Chàm sau gần 5 năm kể từ ngày đi bằng tàu cánh ngầm chạy từ bến Bạch Đằng Đà Nẵng ra mất cả tiếng, còn lần này thì đi từ cửa Đại Hội An nên thời gian chỉ là 25 phút. Đi canô phải nói là đã. Biển êm nên canô chạy không sốc, cảm giác bay trên mặt nước, phải nói là phê. Nhớ hồi đi Phuket (Thái Lan) hay Langkawi (Malaysia) bị gặp sóng lớn tôi đã ngất ngư nằm bẹp chứ chẳng chút tận hưởng như thế này.


Cù Lao Chàm với biển trong vắt và nắng vàng ươm cùng những cánh rừng xanh um tùm đón tôi lúc 8h30 sáng. Sau khi lang thang qua ngôi chợ nho nhỏ xem hàng quán ở khu âu thuyền của đảo chính và uống nước nghỉ chân đôi chút, tôi ghé ngôi chùa duy nhất trên đảo sau khi băng qua cánh đồng bé tí với những thửa ruộng nho nhỏ xanh xanh mát mắt thế này...

Chùa Hải Tạng là ngôi chùa nhỏ xíu được xây dựng đã lâu trên đảo, ngôi chùa dung dị hiền hòa phía trước có đồng lúa xanh thật đẹp. Với gần 3.000 dân, ngôi chùa là chốn tâm linh duy nhất của xã đảo Tân Hiệp nơi có 8 đảo thuộc cụm đảo Cù Lao Chàm - được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2007.

So với mấy năm trước tôi đến, Cù Lao Chàm vẫn vậy, đó là thứ tôi thích nhất ở vùng hải đảo xa xôi này: Con người vẫn chân chất, cảnh vật vẫn hoang sơ và người dân ngày càng ý thức hơn về môi trường... Điều này thể hiện qua việc không sử dụng túi ni lông trên đảo. Tôi ghé mua ít bánh ít lá gai và thay vì bỏ vào bao ni lông như những nơi khác thì ở đây người bán gói trong những tờ báo cũ...

Lần trước đi, tôi đã thuê thuyền đi lòng vòng qua các đảo để xem thế nào là đảo yến, thế nào là Hòn Dài, thế nào là Hòn Lao, Hòn Lá... còn lần này tôi chỉ tham gia lặn biển & nghỉ ngơi tắm biển ở bãi Chồng. Bãi Chồng với bãi cát vàng mịn, nước trong vắt và lặng yên như trong hồ bơi nên ai mê bơi lội thì được dịp thỏa thích. Hôm tôi đi trời thương nên không nắng gắt, lại có chút gió hiu hiu nên thời tiết thỏa mái quá chừng. Hết lặn xem san hô, xem cá bơi lượn rồi nghỉ ngơi ăn uống, rồi lại tiếp tục bơi trong làn nước trong mát... bao nhiêu ưu phiền, stress như được trút bỏ tất cả để hòa mình với thiên nhiên khung cảnh nơi đây.


Bãi Chồng đẹp không chỉ có biển mà còn có hồ nước ngọt nho nhỏ, những ngôi nhà tranh nằm chen giữa tán rừng xanh để du khách nghỉ chân hòa vào thiên nhiên cũng hết sức thú vị. Nơi đây có nhiều nhóm bạn trẻ đến cắm trại qua đêm, làm tiệc BBQ bên biển, tổ chức team building... Duy chỉ có điều là buồn và nghe nói buổi tối có nhiều muỗi.

Hải sản ở Cù Lao Chàm rất tươi và ngon. Người Đà Nẵng quê tôi khi đi chợ mua hải sản thì luôn chọn đồ Hội An bởi tôm cá cua ghẹ ốc ở vùng biển này thì là số dzách (nhất). Lý do hải sản Hội An ngon như thế là tôm cá nơi đây thừa hưởng vùng tảo biển trong khu bảo tồn sinh thái cũng như nguồn nước ngọt từ cửa Đại của dòng sông Thu Bồn mang lại. Tôm cá vùng cửa Đại, Hội An trở thành thương hiệu trong các chợ, quán ăn... ở quê tôi.

Lần trước tôi được thưởng thức món ốc vú nàng và lần này tôi hụt món này bởi mấy ngày trước trời mưa biển động nên tàu không đi đánh bắt được vậy nên đành thưởng thức một loại khác là ốc vú sao... cũng ngon lịm chẳng thua chi vú nàng.


Trong cái xui có cái hên... xui là mưa không có ốc vú nàng... nhưng hên là nhờ mưa mà mấy anh cua đá bò ra khỏi hang và tôi lại có cơ hội ăn món này. Cua đá ngày trước ở đây rất nhiều, tối lại bước ra ngõ là đạp chúng ngay. Thế nhưng con người đã tiêu diệt chúng, biến chúng thành đặc sản để rồi săn bắt chúng triệt để, đến nỗi chúng phải được liệt vào sách đỏ và bây giờ ở Cù Lao Chàm đã cấm khai thác đánh bắt chúng. Tôi đã là kẻ thù của chúng, lén lén đi mua ăn để thử. Thôi thì thử một lần cho biết, thề là lần sau ra Cù Lao Chàm không thử cua đá nữa!

Mực ở Cù Lao Chàm cũng rất tươi và ngon. Ra đây ăn con mực mới thấy vị ngọt lịm của nó. Mưc tươi hấp, mực một nắng, mực khô... đều ăn thỏa thích. Người bán vui vẻ giới thiệu với giọng Quảng Nam hiền lành, mua cũng được, không mua cũng chẳng sao hết, cứ cười nói vui vẻ, hiền lành thấy mến vô cùng.

Ra Cù Lao Chàm cũng nhớ nên thử rau rừng nhé, rau rừng luộc chấm mắm nêm với đủ loại mùi vị của núi là lạ mà ngon... Nói đến đây mới nhớ là con cua đá nó cũng toàn ăn rau rừng vậy nên thịt chúng ăn nghe mùi thuốc nam lắm. Vị hơi đắng nhưng ngon, bảo đảm cua biển không thể sánh bằng!

Đi Cù Lao Chàm rất dễ, chỉ cần lang thang phố cổ Hội An bạn dễ dàng nhận thấy rất nhiều nơi bán tour trọn gói. Tùy vào việc chọn lựa đi canô hay tàu gỗ mà giá cả khác nhau. Sáng 8h xuất phát, chiều 2h tàu về nhằm tránh mưa dông hay gió chiều. Ai thích thú muốn ở lại qua đêm thì có thể mua tour qua đêm. Bạn cũng có thể đi từ Đà Nẵng, các tour du lịch cũng đón bạn từ Đà Nẵng để đưa vào Cửa Đại, rất thuận tiện và dễ dàng.

Còn bạn nào muốn đi tàu gỗ của người dân thì cũng có, cứ hỏi dân Hội An họ sẽ nhiệt tình chỉ cho bạn. Người dân xứ Quảng hiền hậu, chân chất và nhiệt tình lắm, vậy nên bạn cứ hỏi thỏa mái nhé! Không chừng gặp người nhiệt tình còn đưa bạn đến tận bến thuyền nữa đó.


Tôi thích Cù Lao Chàm bởi môi trường, hệ sinh thái, biển cả, đồ biển và con người nơi đây nữa. Chỗ này đã được liệt vào danh sách "sẽ trở lại" của tôi. Lần sau sẽ ra cắm trại ở lại qua đêm để thử xem con muỗi ở Cù Lao Chàm ra sao.
 
Blogger Templates